Một khái niệm vô cùng quen thuộc nhưng lại không dễ đưa ra định nghĩa chính xác: Kho hàng là gì?
Có thể nói, kho hàng như những “điểm nút” của mạng lưới Logistics. Kho hàng cũng có nhiều loại hình với các đặc tính riêng mà bạn cần nắm để chủ động hơn trong việc quản lí và xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh hiệu quả.
1. Khái niệm kho hàng là gì?
Định nghĩa nhà kho có thể có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Tựu chung lại, ta có thể xác định kho hàng là địa điểm đáp ứng được yêu cầu lưu trữ và bảo quản hàng hóa cho doanh nghiệp.
Trong toàn bộ chu trình sản xuất, có thể chia ra rất nhiều nhà kho khác nhau có nhiệm vụ cất giữ nguyên liệu, vật tư, hàng hóa hay thành phẩm.
Trong quá trình chuyển từ điểm đầu tới điểm cuối của dây chuyền cung ứng, kho hàng luôn quản lí số lượng hàng hóa để hoạt động cung ứng luôn được liền mạch và đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.
Là yếu tố cơ bản của nhóm ngành logistics, kho hàng có nhiều loại hình đáp ứng khả năng lưu trữ và phù hợp với các mô hình quản lý khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp cũng như đặc điểm hàng hóa.
2. Các loại kho hàng phổ biến hiện nay?
Dựa vào chuỗi phân phối và chủng loại hàng lưu trữ, chúng ta có thể phân loại kho hàng thành rất nhiều loại.
Trước hết, về bản chất và đặc thù kho hàng, chúng ta chia thành 2 loại kho chính.
Kho hàng thường
Kho hàng thường được sử dụng cho hàng hoá có thể lưu trữ ở điều kiện tiêu chuẩn trong thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến đặc tính và chất lượng hàng hoá.
Các loại sản phẩm được lưu trong loại kho này đều là hàng hóa thông thường, không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt, ví dụ như vật liệu, phụ kiện,…
Kho kiểm soát nhiệt độ
Còn được gọi là kho lạnh/kho mát hay kho chạy nhiệt độ.
Đây là loại hình kho hàng dành cho chủng loại hàng hóa đòi đỏi những yêu cầu cao về trang thiết bị và điều kiện bảo quản.
Theo đó, toàn bộ hàng hoá được lưu trữ trong kho này luôn được kiểm soát chất lượng và nhiệt độ, độ ẩm giữ ở mức phù hợp với tính chất của hàng hoá.
Được lưu trữ trong các loại hình kho này phổ biến là các mặt hàng như:
- Các dạng thực phẩm, hoa quả, đồ đông lạnh, đồ cấp đông
- Vacxin, thuốc, dược phẩm
Nhiệt độ trong kho có thể được điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo yêu cầu lưu trữ của doanh nghiệp. Nhiệt độ trung bình ở các loại kho này thường dao động ở mức âm 20 độ C đến 20 độ C.
Xét theo đặc thù sản phẩm:
- Kho linh kiện
- Kho sản phẩm
- Kho vật liệu đóng gói
Dựa trên vị trí trong chuỗi phân phối hàng hóa:
- Kho dự trữ ngoài đô thị
- Kho trung chuyển
- Kho công nghiệp
- Kho vật liệu- vật tư- phụ liệu
- Kho hàng phân phối
Ngoài ra, còn các cái tên khác như:
- Kho CFS
- Kho tư nhân
- Kho công cộng
- Kho ngoại quan
- Kho bảo thuế
3. Vai trò của nhà kho trong các hoạt động khai thác hàng hóa
Như đã đề cập ở trên, kho hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi những lợi ích không thể thiếu mà nó mang lại cho hoạt động sản xuất – kinh doanh:
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Không chỉ đảm bảo nguyên vẹn về số lượng, nhà kho còn giúp hàng hóa giữ chất lượng ổn định trong suốt quá trình lưu trữ.
Đây cũng chính là ý nghĩa quan trọng nhất mà mô hình nhà kho hàng mang lại hiệu quả cho công tác kinh doanh và quản lý hàng hóa của doanh nghiệp.
Đảm bảo tính liên tục hàng hóa
Kho hàng luôn được điều tiết và hoạt động liên tục để bảo đảm số lượng hàng hóa với chất lượng ổn định. Lượng hàng hóa dự trữ này có thể giúp doanh nghiệp đối phó được với những biến động bất ngờ trên thị trường, hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Tối ưu chi phí sản xuất
Kho hàng giúp xác định quy mô kinh tế trong quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, quản lý cho doanh nghiệp, nhờ đó mang lại lợi nhuận tối ưu.
Chuyên nghiệp hóa dịch vụ của doanh nghiệp tới khách hàng
Tối ưu khâu lưu kho mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc sẵn sàng hàng hóa, tìm kiếm, đóng gói nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ hàng.
4. Kinh nghiệm quản lý và lưu trữ hàng hóa trong kho
Để lưu trữ hàng hóa hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần lên kế hoạch quản lý kho vận một cách chi tiết và logic.
Trên thực tế có một số nguyên tắc cơ bản khi quản lý kho hàng mà bạn có thể tham khảo:
- Sắp xếp các chủng loại hàng hóa theo từng kho/khu vực riêng biệt một cách có tổ chức
- Tùy theo nhu cầu lưu trữ mà sử dụng nguyên tắc nhập trước xuất trước (FIFO) hay nhập sau xuất trước (LIFO)
- Thường xuyên cập nhật thông tin dữ liệu trong thẻ kho
- Quản lí chặt chẽ quy trình xuất nhập hàng hóa từ đơn vị giao hàng
5. Chi phí khi sử dụng dịch vụ kho hàng
Chi phí chính khi sử dụng dịch vụ kho hàng thông thường còn được nhắc đến với cái tên chi phí lưu kho hàng hoá.
Tuỳ theo chính sách của đối tác cung cấp dịch vụ, chi phí lưu kho thường chiếm tới 70 – 80% chi phí dịch vụ kho hàng, có thể được tính theo ngày, theo đơn vị sản phẩm, theo thể tích (khối) hay theo diện tích (m2).
20% các chi phí khác cần chi trả bao gồm: Bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, quản lý hàng hoá,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về định nghĩa kho hàng, phân loại kho cũng như vai trò cùng chi phí thực tế khi sử dụng kho hàng.